SÂN KHẤU NGHỆ THUẬT TRƯƠNG HÙNG MINH (22 Vĩnh Viễn, Phường 2, Quận 10, TP.HCM)
0707529191

Nghệ sĩ Minh Nhí

Thật khó để "vẽ" một bức chân dung chi tiết bằng chữ về danh hài Minh Nhí khi anh từng là một "biểu tượng" trong làng hài phía Nam và cũng là một "danh thầy" đối với rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay.

Tuổi thơ yên bình 

Nghệ sĩ Minh Nhí tên thật là Trương Hùng Minh. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình dân ở Sa Đéc, Đồng Tháp: Ba làm nghề lái xe còn mẹ bán trái cây. Dù nhà đông con nhưng mọi thứ, từ A đến Z, ba mẹ đều lo hết nên tuổi thơ của mấy chị em anh vô cùng yên bình. Ký ức đẹp đẽ mà nghệ sĩ Minh Nhí nhớ nhất trong tuổi thơ là những dịp Tết. Chị Hai của anh là thợ may nên cứ gần Tết, ba mẹ anh lại đưa tiền để con gái mua vải về may quần áo cho các em. Mấy chị em trong nhà, từ lớn tới nhỏ, ai cũng được may cho vài cái áo sơ mi, vài cái quần sọoc giống y chang nhau. Và tối 30 Tết, mấy chị em rủ nhau đi ngủ từ rất sớm để đúng Giao thừa dậy mặc đồ mới cúng ông bà tổ tiên cùng ba mẹ. Cúng Giao thừa xong, ba anh lấy chiếc xe tải chở 9 mẹ con đi lễ chùa cầu an tới 2,3h sáng mới về ngủ lại.

Nghệ sĩ Minh Nhí thời trẻ
Nghệ sĩ Minh Nhí thời trẻ

Không chỉ là những tháng ngày êm đềm trong tình yêu thương, bảo bọc của gia đình như thế, tuổi thơ của danh hài Minh Nhí còn ngập trong bầu không khí nghệ thuật khi ba anh là người cực kỳ mê hát. Trong nhà có cả một chiếc tủ lớn đựng máy hát cùng rất nhiều đĩa. Sáng nào cũng thế, cứ 4h sáng, ba anh lại mở đĩa hát, tới đúng 6h, ông tắt để đi làm. Cái đĩa hát đắt tiền đó, không ít lần cậu bé Trương Hùng Minh vì hiếu kỳ, hiếu động mà lấy cây tăm chọc, làm nó hư lên hư xuống.Thế nhưng, ba má anh không bao giờ đánh con. Lỗi lầm gì của mấy đứa em, đều do các chị trong nhà... dạy dỗ bằng chiếc roi mây.

Anh kể: "Nhà tôi chỉ có một tầng lầu nhưng cái lầu đó ai cũng sợ lên. Bởi vì mỗi khi có đứa nào làm sai trái điều gì là ba tôi kêu vô phòng đó giảng đạo. Đã vô phòng là ít nhất một tiếng sau mới được đi xuống. Khi xuống mặt đứa nào cũng phờ phạc hết... bởi vì ba tôi dạy "nhức xương" lắm".Hồi nhỏ, nghệ sĩ Minh Nhí học rất giỏi. Anh từng đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Văn khối lớp 9 tỉnh Đồng Tháp. Anh từng mơ ước thi vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Sài Gòn nhưng cuối cùng lại thi Đại học Y theo ý nguyện của ba mẹ và... thiếu nửa điểm. Trong lúc chờ ôn luyện để năm sau thi lại trường Y, nghệ sĩ Minh Nhí theo bạn thi "chơi chơi" vào trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM) và... Tổ nghề đã chọn anh.

Danh hài và... "danh thầy"

Lúc đầu, Minh Nhí đăng ký thi khoa diễn viên nhưng vì không đủ chiều cao nên anh chuyển sang thi khoa đạo diễn. Muốn tốt nghiệp đạo diễn, anh và các bạn phải tốt nghiệp lớp diễn viên trước. Vở diễn tốt nghiệp "Quan thanh tra", Minh Nhí được giao vai chính. Trong khi bạn bè tranh giành vai chính thì Minh Nhí lại từ chối không muốn nhận, đòi đóng vai nhỏ. Vì chuyện này, anh bị thầy giáo chửi cho một trận: "Muốn giỏi thì đừng bao giờ lựa vai dễ mà đóng". Cuối cùng, anh phải chấp nhận đóng vai chính trong nỗi đau khổ bị thầy chửi và bạn bè ganh tị. Nhưng cũng nhờ vai diễn đó mà anh đi lên. Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, nghệ sĩ Minh Nhí đắt show phim cổ tích cũng như sân khấu kịch, đặc biệt là các vai hài.

Từ ngày còn ngồi ghế nhà trường, anh và vài người bạn đã thành lập nhóm hài và đi diễn khắp các tụ điểm trong ngoài thành phố. Tới thập niên 90, hài kịch lên ngôi. Các nhóm hài, các sân khấu hài nở rộ. Nghệ sĩ Minh Nhí cùng nghệ sĩ Hữu Châu thành lập nhóm hài song tấu và chạy show từ trong nước đến nước ngoài.

Nghệ sĩ Minh Nhí những ngày đầu mới bước chân vào công tác giảng dạy cùng cô học trò Việt Hương.

Nổi danh ở lĩnh vực hài nhưng uy tín và cả sự kính nể mà đồng nghiệp, khán giả dành cho nghệ sĩ Minh Nhí đến nhiều hơn từ những vai diễn để đời, những giải thưởng để đời của anh trên sân khấu kịch dài. Đó là vai ông Tư Rơm trong "Cha vợ mê bóng đá" hay vai Chổm trong "Vua trả nợ" đã đem về cho anh 2 giải Mai Vàng lừng lẫy thời đó. Bên cạnh đó, loạt phim cổ tích của Hãng phim Phương Nam cũng đưa cái tên Minh Nhí đến gần khán giả hơn bao giờ hết.

Minh Nhí trong Phim truyện cổ tích "Thạch Sanh, Lý Thông"

Đang lúc con đường danh vọng thênh thang, nghệ sĩ Minh Nhí được mời về giảng dạy tại trường Nghệ thuật Sân khấu 2. Nghệ sĩ Minh Nhí 3,4 lần từ chối nhưng thầy anh vẫn kiên trì thuyết phục với những lời thấu tình đạt lý. Anh gật đầu bước chân vào công tác đào tạo và tiếp tục nổi danh ở lĩnh vực này. Anh nổi danh "hung dữ", sẵn sàng cầm dép chọi học trò, cầm roi rượt học trò chạy khắp trường vì tội... lười học. Anh cũng nổi tiếng là "danh chửi" vì sẵn sàng chửi học trò... không ngẩng mặt lên được khi học trò lười biếng, không ôn luyện mà mải đi chơi. Nhưng anh cũng nổi danh là ông thầy "mát tay đào tạo ngôi sao" bởi học trò là ngôi sao của anh hiện nay trong showbiz rất nhiều. Trong đó phải kể đến Việt Hương, Cao Minh Đạt, Thúy Nga, Hạnh Thúy, Trọng Hiếu, Trần Bùm, Quốc Thuận, Xuân Nghị, Minh Dự...

Nhưng điều làm anh hạnh phúc và hãnh diện nhất là đi đâu, anh cũng nhận được sự kính trọng từ mọi người. Họ gọi anh bằng "thầy" dù anh không dạy họ ngày nào. Từ vị bác sĩ chữa trị bệnh đau đốt sống cổ cho anh đến người bán hủ tíu mà anh tình cờ ghé ăn. Họ không chịu nhận tiền và nói "gia đình chúng tôi kính trọng thầy lắm". Và tới tận giờ này, dù đã đi qua thời kỳ đỉnh cao nhưng chưa một khán giả nào quên cái tên Minh Nhí. Anh vẫn làm nghề, vẫn giảng dạy, vẫn truyền đạt được những kinh nghiệm quý báu của mình về học thuật cho đời sau. Và học trò của anh vẫn nhắc tên ông thầy đã giúp họ có được ngày hôm nay.

 

Chiếc huy chương vàng mới nhất của nghệ sĩ Minh Nhí tại Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc cách đây 2 năm

Biến cố, tỉnh ngộ và an nhiên

Sẽ là không đủ nếu viết về nghệ sĩ Minh Nhí mà không nhắc tới biến cố lớn nhất trong cuộc đời anh vào năm 2005 và cả những thăng trầm phía sau hào quang sân khấu. Những biến cố đó là một phần con người, một phần đời, một phần số phận của nghệ sĩ Minh Nhí. Đầu tiên phải nhắc tới biến cố anh bị đình chỉ giảng dạy tại trường Sấn khấu và cấm hoạt động biểu diễn 6 tháng vì tự ý ở lại Mỹ kết hôn mà không "xin phép" khi đi lưu diễn. "Đó là giai đoạn khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi", nghệ sĩ Minh Nhí đã nói như thế khi nhắc lại biến cố này. Sự nghiệp bao nhiêu năm gầy dựng bỗng chốc sụp đổ! Mọi người quay lưng với anh vì sợ... liên lụy! Anh đi tới đâu cũng như có người canh chừng, theo dõi... Những người ở lại bên anh khi ấy, thật kỳ lạ, không phải là những bạn bè tưởng chừng thân thiết trong showbiz mà là những người... vô danh ngoài xã hội. 3 tháng đầu, anh còn đi lang thang quanh những tụ điểm sân khấu, lặng lẽ nhìn từ xa nhưng đến tháng thứ 4, anh không dám đi đâu nữa. Anh cứ lủi thủi quanh quẩn ở nhà. Cô độc. Lạc lõng. Bế tắc. Suy sụp. 

Mỗi lần xem ti vi, thấy bạn bè học trò diễn, anh lại khóc. Anh lặng lẽ lấy những đĩa phim mình đóng ra xem mà nước mắt chảy xuống lúc nào không hay. Nhớ nghề, anh đứng trước gương diễn những vai hài mà mình thích nhưng mặt cũng buồn tênh, rồi lại khóc. Thời gian đó, bạn bè phải động viên, thuyết phục, thậm chí năn nỉ nhiều lắm, anh mới chịu ra ngoài chơi cho khuây khỏa nhưng cũng bịt mặt, trùm mền kín mít để không ai nhận ra Minh Nhí. Và trong số tất cả những học trò mà anh đã dày công đào tạo đêm ngày bao nhiêu năm trước đó, chỉ có Tiết Cương là "để tâm" đến thầy. Anh cũng là người đã mua cho nghệ sĩ Minh Nhí chiếc điện thoại khác khi danh hài quyết định bỏ số điện thoại cũ vì không muốn liên lạc với ai. 6 tháng bị cấm diễn, đối với nghệ sĩ Minh Nhí còn dài hơn cả 6 năm.

Ở sự tột cùng của chịu đựng và bế tắc, anh thắp hương xin Tổ nghiệp soi đường chỉ lối cho mình. "Nếu con không có nghiệp này nữa thì Tổ cho con trông thấy đi. Tổ kêu con đi làm nghề khác đi. Nếu con còn duyên thì xin cho con sớm đi diễn lại. Con buồn quá rồi"! Tình cờ, đúng 7h sáng hôm sau anh nhận tin được cấp giấy phép biểu diễn trở lại.

 

"Cặp đôi vàng" làng hài phía Nam thập niên 90 đến giờ vẫn là những người bạn thân của nhau

Sau biến cố đó, nghệ sĩ Minh Nhí gần như thay đổi hoàn toàn. Anh nhận ra những giá trị thực sự trong cuộc đời này, đâu là tình bạn và đâu là sự phù phiếm, hư ảo. "Đó là khúc quanh rất đặc biệt trong đời tôi. Tôi suýt chết nhưng sự cố ấy cũng là bài học giá trị để tôi nhận ra cách sống tốt hơn", danh hài nói. 

Những được mất sau hào quang đời nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở đó. Hai lần Minh Nhí mua nhà là hai lần người anh thương yêu nhất qua đời. Thời điểm anh vừa mua được căn nhà đầu tiên, mới vài ngày thì ba anh không còn. Tới ngôi nhà thứ hai, thì anh mất mẹ. Những khoảng lặng đó, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Những nỗi mất mát đớn đau đó, chỉ Minh Nhí mới hiểu!

"Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha"

Nghệ sĩ Minh Nhí nhận mình có một thời trẻ ngông cuồng, kiêu ngạo, hồ đồ, thích ăn chơi, thích nghe những lời xu nịnh và anh chỉ thực sự "tỉnh ngộ" sau biến cố kia. Nhưng có lẽ, danh hài đã quá "nghiêm khắc với bản thân" khi dùng những lời nhận xét đó. Bởi anh có một đức tính rất tốt mà ai cũng biết, đó là ngay thẳng và "xả thân vì bạn". "Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha" là bản chất của nghệ sĩ Minh Nhí. Những lúc đi diễn hay đi quay, thấy đàn em, đồng nghiệp bị ấm ức điều gì, anh thường là người đứng lên dàn xếp mọi việc. Anh đã thương ai là rút ruột rút gan và giúp tới nơi tới chốn. Bằng chứng là hồi học trong trường Nghệ thuật sân khấu 2, Minh Nhí hay diễn cặp với một bạn nữ trong lớp. Có lần, người bạn này mâu thuẫn với một anh cao to trong lớp, dù không phải chuyện của mình và dù nhỏ con nhất lớp nhưng danh hài sẵn sàng nhào vào "đòi đánh" chỉ vì bảo vệ bạn. 

Nghệ sĩ Minh Nhí cũng nổi tiếng với những giai thoại... mê tiền, vàng, kim cương. Trong nhà anh, vàng từng xếp thành đống hoặc để đầy rổ, tiền được là phẳng phiu, xếp ngay ngắn mặt nào đi mặt đó... nhưng danh hài cũng có những nguyên tắc rất nghiêm khắc khi làm nghề: Tự trọng, lấy đức làm đầu.

Nghệ sĩ Minh Nhí mở sân khấu riêng giữa lúc sân khấu đang vắng khán giả, các sân khấu bạn hầu hết đều trả nửa lương diễn viên cho mỗi đêm diễn khiến mọi người ngao ngán. Ấy vậy mà anh sẵn sàng "nuôi" nguyên một dàn diễn viên ăn uống tập tuồng trong phòng máy lạnh nhiều ngày. Khi duyệt vở diễn, sản phẩm quá tệ không thể công diễn, anh vẫn gửi mỗi người một bao thư bồi dưỡng. Ngay cả khi tiền vé bán ra không đủ bù chi, anh vẫn trả lương đầy đủ. Anh đặt mình vào tâm lý diễn viên, nhận nửa lương không ai vui vẻ gì. Dù mọi người đề nghị nhưng anh vẫn trả đủ, còn mình bù lỗ hơn chục triệu đồng cho đêm diễn đó. Anh bảo: "Nghệ sĩ chúng tôi sĩ diện lắm. Ai cũng phải kiếm tiền. Người nào nói không cần tiền là nói xạo nhưng tôi không thể vì tiền mà đánh mất lòng tự trọng của mình". Có lẽ vì cách nghĩ, cách sống như thế nên nghệ sĩ Minh Nhí mới được khán giả, đồng nghiệp yêu mến, kính nể suốt bao nhiêu năm qua!

Ông Tư Hoài Minh Nhí đốn tim khán giả vở 'Ai có chờ hoa nở?'

"Của để dành..."

Sau rất nhiều bão tố, định mệnh đã đưa đến cho anh một cậu con trai ngoan hiền, hiếu thảo là Minh Khải. Dẫu không phải máu thịt do anh sinh ra nhưng anh dành tất cả yêu thương và những điều tốt đẹp nhất cho Minh Khải và xem cậu bé như con ruột. Và người Minh Khải cũng thương cha nuôi thật lòng. Mọi người bảo, ông trời đã "bù" cho anh một chút "của để dành" hòng lúc tuổi già bởi anh sống nghĩa tình, nặng gánh gia đình, dành cả thanh xuân lo cho cha mẹ, các chị em trong nhà. Với chút "của để dành" đó, nghệ sĩ Minh Nhí bây giờ thực sự rất vui và hạnh phúc!

 

Nghệ sĩ Minh Nhí cùng con trai